Những ngày qua, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên liên tục mưa lớn, nước sông dâng cao cô lập nhiều nhà dân. Đã có 15 người chết và mất tích.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, tình hình thiệt hại do mưa lũ tính đến 7h sáng nay, đã có 10 người chết và 5 người mất tích, trong đó Quảng Bình và Phú Yên mỗi tỉnh 3 người, Quảng Trị 2 người, các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định 1 người.
Mưa lũ cô lập nhiều nơi ở Phú Yên 3. Ảnh: Mạnh Hoài Nam, chụp ngày 3/11
Theo dự báo, trong hôm nay, các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định đến Bình Thuận tiếp tục có mưa khiến lũ trên các sông sẽ lên.
Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Nhiều tuyến đường bị ngập và sạt lở khiến đường vào thôn 5, 6 xã Hòa Phong (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị chia cắt, nước tràn qua đường, sâu khoảng 1m, gần 300 hộ không có đường đi lại, ảnh chụp ngày 4/11 (Ảnh: Giao thông)
Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, Đắk Lắk vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đắk Lắk).
Ở những đoạn đường bị hư hỏng, người dân chủ động cắm biển cảnh báo. (Ảnh: báo Đắk Lắk)
Người dân ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) được chính quyền chở ca nô ra khỏi vùng bị chia cắt. (Ảnh: báo Đắk Lắk)
Thông tin từ CTV VietNamNet ở Phú Yên cho biết, hôm nay, mưa to nước lũ sông Kỳ Lộ dâng cao tràn vào nhà dân trở lại.
Tại 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân vùng rốn lũ của Phú Yên, người dân lại vất vả chống chọi với đợt lũ mới.
Tính đến nay, đã 3 ngày đêm, người dân vẫn khốn khổ chạy mưa lũ, chưa có điện, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
Mưa lũ khiến người dân đi lại vô cùng vất vả. Ảnh: Mạnh Hoài Nam, chụp ngày 5/11
Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 106 thôn của 36 xã bị ngập nước. Các địa phương di dời gần 4.000 hộ, với trên 18.000 người đến nơi trú tránh an toàn. Mưa lũ đã khiến 3 người chết, 3 người mất tích.
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết, đến sáng nay, vẫn còn nhiều xã bị chia cắt; gần 1.700 ngôi nhà trên địa bàn huyện bị ngập nước từ 1m trở lên. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng gây ách tắc giao thông,...
Nhiều ngôi nhà nước vừa rút lại ngập trở lại. Ảnh: Mạnh Hoài Nam, chụp ngày 5/11
Còn tại huyện Tuy An, theo thống kê ban đầu, khoảng 5.260 nhà ở 39 thôn, khu phố của 10/16 xã, thị trấn của huyện bị ngập lụt. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình có người chết do lũ lụt. Đồng thời, giúp đỡ người dân khắc phục nhà cửa bị hư hại, xử lý môi trường sau khi nước rút.
Bình Định: Lũ xuống chậm, khẩn trương khắc phục thiệt hại
Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhiều hoạt động hỗ trợ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn đã được triển khai tích cực. Tại Hoài Ân, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Phi Long cho biết, đã huy động dân quân, đoàn viên - thanh niên hỗ trợ người dân có nhà bị vùi lấp; khắc phục hệ thống giao thông trọng điểm để đảm bảo giao thông.
Khắc phục sạt lở tại tuyến đường đi thôn 3, xã An Nghĩa, huyện An Lão. Ảnh: Huyền Trang
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở GTVT cũng cho biết, đã kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị quản lý đường nhanh chóng gia cố những vị trí có nguy cơ bị sạt lở và khắc phục sự cố trên các tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đặc biệt, với những cây cầu bị nước lũ cuốn trôi trên địa bàn Hoài Ân, ngành đã cho lao lắp ngay các trụ bê tông, giằng thanh sắt tạm thời. Đến hôm nay, tất cả các tuyến QL và tỉnh lộ, giao thông đã thông suốt trở lại, nhưng mặt đường hư hỏng nhiều.
Các lực lượng tập trung gia cố đoạn đê tại huyện Tuy Phước bị lũ xâm thực. Ảnh: V.Lưu.
Theo ước tính của ngành GTVT Bình Định, để khắc phục hệ thống đường tỉnh và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, cần kinh phí khoảng 200 tỉ đồng.
Tại Tuy Phước, UBND huyện đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố lở đê sông Hà Thanh.
Trung tá Phạm Thanh Hà, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện cho biết, đội xung kích của đơn vị gồm 15 người đã đến đội 3, thôn Luật Lễ, phối hợp với địa phương khắc phục sự cố. Do đoạn đê bị sạt lở khá sâu, dùng đá đổ xuống sẽ không hiệu quả, nên các lực lượng đã dùng tre đóng cọc và tôn chắn dọc đoạn sạt lở, không cho nước xoáy vào làm sạt lở thêm.
Nguồn vietnamnet.vn