Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương đang triển khai Ðề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề này.
* Xin ông cho biết thực trạng phát triển chăn nuôi bò thịt tại Bình Định?
Ông Đào Văn Hùng
+ Trước đây, đàn bò trong tỉnh chủ yếu là bò cỏ, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao, nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả chăn nuôi, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các trạm chăn nuôi gia súc để nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống vật nuôi mới cho nông dân, Sở NN&PTNT và các địa phương đã củng cố và phát triển mạng lưới thú y cơ sở, đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên phục vụ lai tạo đàn bò, xây dựng các điểm trình diễn chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Ðưa các giống bò thịt chất lượng cao của thế giới (Red Angus, Blanc Bleu Belge) để lai tạo trên nền bò cái lai F2 Zebu tại địa phương, tạo bê lai chất lượng cao dùng để nuôi thịt. Vận động nông dân chuyển những diện tích sản xuất lúa bấp bênh sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư chăn nuôi...
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm bò thịt chất lượng cao. Nhờ đó, phong trào chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh phát triển mạnh ở khắp các địa phương trong tỉnh. Hiện đàn bò toàn tỉnh có 310 ngàn con, bò lai chiếm 75% tổng đàn, tăng 2% so với năm 2015. Với kết quả này, tỉnh ta là địa phương có tỉ lệ bò lai cao nhất nhì trong nước; thị trường tiêu thụ bò thịt mở rộng đến TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Ðà Nẵng, Quảng Nam... Thực tế cho thấy, nghề chăn nuôi bò thịt đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn.
* Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức đối với nghề chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta?
+ Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng khách quan nhìn nhận, nghề chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta cũng bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu tính bền vững. Cụ thể, quy mô chăn nuôi còn nhỏ, phân tán; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển chăn nuôi; dịch bệnh vật nuôi thường xuyên đe dọa, đầu ra sản phẩm không ổn định; đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp.
Mặt khác, hầu hết con giống bò thịt ở tỉnh ta là bò lai Zebu, tầm vóc lớn hơn bò vàng của Việt Nam nhưng nhìn chung vẫn còn nhỏ, năng suất và tỉ lệ thịt xẻ thấp so với các giống bò chuyên thịt trên thế giới, đặc biệt là bò Úc (bò 24 tháng tuổi nhập khẩu từ Australia có trọng lượng 6-7 tạ/con, cao hơn bò thịt ở tỉnh ta từ 1-2 tạ/con cùng lứa tuổi). Hiện bò thịt các nước nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, chất lượng thịt cao, giá cả thấp, tạo sự cạnh tranh bất lợi đối với người chăn nuôi bò trong nước và trong tỉnh. Ðây vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức lớn đối với nghề chăn nuôi bò thịt của tỉnh ta.
* Vậy ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai những giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững, thưa ông?
+ Hiện nay, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện đề án phát triển đàn bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2015-2020, phấn đấu đến năm 2020 tăng đàn bò lên 520 ngàn con, tỉ lệ bò lai và bò ngoại thuần tăng lên 93,8%, trong đó bò thịt chất lượng cao chiếm 16,3% tổng đàn bò lai; sản lượng thịt bò hơi đạt 48.405 tấn. Thực hiện tốt đề án này sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Ðể đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống thú y ở cơ sở, đẩy mạnh công tác lai tạo bò giống. Vùng phối giống bò thịt chất lượng cao tập trung của tỉnh sẽ được thực hiện tại 17 xã: Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hòa, Phước Hiệp (Tuy Phước); xã Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc và phường Bình Ðịnh, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn); Tây An, Tây Vinh, Tây Bình, Bình Hòa, Bình Thành (Tây Sơn). Ðáng chú ý là từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã lai tạo được 8.000 con bò lai chất lượng cao giống F1 Red Angus và giống F1 Blanc Bleu Belge có hình dáng đẹp, trọng lượng lớn (11 tháng tuổi đạt 338 kg, gần gấp đôi so với bò cỏ địa phương), tỉ lệ thịt và chất lượng thịt cao.
Ngành Nông nghiệp cũng sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi trồng các giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao và tận thu nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò, đầu tư chăm sóc theo hướng thâm canh. Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao gắn với trồng cỏ và chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò để chuyển giao cho nông dân; xây dựng thương hiệu bò thịt và thịt bò chất lượng cao Bình Ðịnh; xây dựng chợ bò tại thị xã An Nhơn và một số địa phương khác, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ðồng thời, mời gọi DN đầu tư, liên kết trong phát triển chăn nuôi bò thịt, là đầu mối tiêu thụ bò thịt, bò giống, cỏ và các loại cây thức ăn khác phục vụ chăn nuôi bò, kết nối với các thị trường lớn trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)